You Can’t Make an Omelette Without Breaking Some Eggs – Thành ngữ tiếng Anh

Đâu đó trong những tài liệu tiếng Anh về chủ đề vượt khó, thay đổi số phận, về việc bắt đầu một công cuộc, một dự án, xây dựng một công ty khởi nghiệp, hay trong những tư liệu lịch sử về những cuộc khởi nghĩa, nổi dậy đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp thành ngữ you can’t make an  omelette without breaking some eggs.

Hhmmm… Thú vị nhỉ! Vì sao trong những ngữ cảnh quan trọng, những sự kiện trọng đại mà người ta lại nói về thức ăn? Chủ đề thức ăn có liên quan một chút nào đến những chủ đề về sự thay đổi và phát triển không?

Thực ra thì có đấy. You can’t make an omelette without breaking some eggs là một thành ngữ (idiom) khá phổ biến trong ngôn ngữ tiếng Anh ngày nay, và vì nó là thành ngữ nên ta không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen của nó.

Vậy theo bạn, thành ngữ này có ý nghĩa gì? Hãy thử tài suy đoán của mình qua ví dụ sau đây nhé:

  • Changing customer behaviour to a company’s benefits is not an easy affair, but you cannot make an omelette without breaking some eggs.
    (Thay đổi hành vi khách hàng để làm lợi cho một công ty không phải là việc dễ dàng, nhưng bạn không thể làm trứng ốp-lết nếu không đập vài cái trứng.)

Định nghĩa

Như phần dịch trong ví dụ trên, nếu dịch theo nghĩa đen, you can’t make an omelette without breaking some eggs nghĩa là bạn không thể làm trứng ốp-lết nếu không đập vài cái trứng.

Mượn hình tượng người nấu bếp đập vài cái trứng để nấu được món trứng ốp-lết thơm ngon, thành ngữ này muốn khẳng định sự thiết yếu của việc hy sinh trong công cuộc tạo dựng một điều gì đó mà ta muốn hưởng lợi từ nó. Về cơ bản, thành ngữ muốn nhấn mạnh khái niệm không có thứ gì tự nhiên mà tồn tại; nó phải được tạo ra, và sự kiến tạo đó là một quá trình chuyển đổi đòi hỏi phải có ‘nguyên liệu đầu vào’ (input). Nếu không có hy sinh, mất mát, nếu không tổn thất bất cứ chi phí gì, nếu không bỏ ra công sức, tiền bạc, thời gian thì chẳng thể tạo được điều gì. Nói cách khác, không gì được tạo ra từ hư không.

Đối với các bạn có chút đạm mê về khoa học (và đối với các bạn đã từng phải thức thâu đêm để cố nhét kiến thức khoa học vào đầu trước ngày thi), các bạn cũng có thể liên tưởng ý nghĩa của thành ngữ này đến định luật bảo toàn khối lượng Lomonosov – Lavoisier: Trong phản ứng hóa học, tổng khối lượng các sản phẩm tạo thành bằng tổng khối lượng các chất tham gia phản ứng.

Ngữ cảnh – cách dùng

Thành ngữ you can’t make an omelette without breaking some eggs không quá kén chọn trong cách dùng hay ngữ cảnh.

Về cách dùng, thành ngữ này có chức năng ngữ pháp là một câu hoàn chỉnh. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng về việc phải đặt nó chỗ nào câu, hoặc nó tương tác như thế nào với các thành phần khác của câu. Tự bản thân thành ngữ này có thể đứng độc lập, làm một câu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, đôi khi bạn sẽ có nhu cầu muốn lồng ghép thành ngữ này vào một câu nhiều mệnh đề (clause), ví dụ như cấu trúc câu ghép (compound sentence) hay cấu trúc câu phức (complex sentence). Điều này hoàn toàn hợp ngữ pháp và cũng không có gì khó. Bạn chỉ cần lưu ý áp dụng đúng thì cho thành ngữ, tùy vào ngữ cảnh của câu. Ví dụ, khi bạn đang nói về điều gì đó trong ngữ cảnh quá khứ, đừng quên chuyển trợ động từ trong thành ngữ (can’t hoặc cannot) sang thì quá khứ:

  • You couldn’t make an omelette without breaking some eggs, and you didn’t have the choice to back out in that situation either.
    (Bạn không thể không hy sinh mất mát gì nếu bạn muốn có được thành quả, và bạn cũng chẳng có lựa chọn lùi bước trong tình cảnh đó)
  • I knew I couldn’t make an omelette without breaking some eggs, so I decided to pay for the course to learn the basics.
    (Tôi biết tôi không thể không bỏ ra gì nếu tôi muốn có được thành quả, nên tôi quyết định trả tiền cho khóa học để học những điều cơ bản.)

Về tính trang trọng của ngữ cảnh, thành ngữ này khá linh hoạt vì nó có thể được áp dụng trong hầu như tất cả các trường hợp, từ ngữ cảnh vô cùng bình dân, không trang trọng (informal register), ví dụ như trong văn nói giữa bạn bè thân thiết với nhau, đến những ngữ cảnh trang trọng hơn (formal register), ví dụ như trong các bài diễn văn hay thư từ được viết bởi những nhà lãnh đạo của một công ty hay một tổ chức xã hội. Trong các tư liệu học thuật, ta cũng có thể bắt gặp thành ngữ này.

Nguồn gốc

Vì tính thông dụng của nó, ít ai mảy may để ý tìm hiểu về giá trị của thành ngữ you can’t make an omelette without breaking some eggs. Bạn có biết, thành ngữ này bắt nguồn từ tiếng Pháp và là di tích lịch sử phi vật thể trong cuộc chu du của nền văn hóa Pháp tại trạm dừng Ái Nhĩ Lan (Ireland)?

Chắc bạn đang đoán đây là lý do vì sao thành ngữ này nói về ẩm thực, vì Pháp là quốc gia nổi tiếng với nền ẩm thực đẳng cấp được tạo nên từ bàn tay của những đầu bếp chuẩn Michelin xứng tầm thế giới? Không phải đâu. Thấp thoáng trong lịch sử nước Pháp là một giai đoạn khá bấp bênh…

Chiến tranh vùng Vendée, nổ ra năm 1793, là một cuộc chiến tranh chống lại phe cách mạng tại vùng Vendée phía tây nước Pháp trong cuộc Cách mạng Pháp (1789 – 1799). Tham gia lãnh đạo phe nổi dậy theo ý nguyện của các binh sĩ tá điền địa phương là François de Charette. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Hoàng gia và Công giáo đánh bại phe Cộng hòa trong nhiều trận chiến, dẫn đến Hiệp ước La Jaunaye. Không may mắn thay, phe Cộng hòa dừng duy trì những lời hứa và thỏa thuận trong Hiệp ước ít lâu sau, dẫn đến chiến tranh tiếp diễn.

Nhận lệnh tử hình của tòa án Cộng hòa, Charette bị xử bắn ngày 29 tháng ba năm 1796. Theo tờ nguyệt san Walker’s Hibernian Magazine (Tạp chí Ái Nhĩ Lan của Walker) trong một bài báo ra mắt cùng năm, trong những giây phút cuối cùng, Charette đã nhận trách nhiệm trước tòa về cái chết của hàng trăm ngàn người trong nhiều năm, cùng với lời khẳng định khéo léo:

     On ne saurait faire d’omelette sans casser des œufs.
     (Ta sẽ không biết làm món ốp-lết nếu không đập vỡ trứng.)

Được biết, đây là lần đầu tiên thành ngữ you can’t make an omelette without breaking some eggs xuất hiện trong một tư liệu tiếng Anh.

Những tranh luận về ý nghĩa thành ngữ

Vì tính ngắn gọn, súc tích của nó, đã có không ít những cách hiểu khác nhau cho thành ngữ you can’t make an omelette without breaking some eggs.

Ngoài ý nghĩa phổ biến nhất của thành ngữ mà ta đã nhắc đến ở phần trên, có không ít lời tranh luận rằng mục đích của thành ngữ tập trung vào quá trình hơn là những gì ta chi ra ban đầu. Theo nhóm ý kiếm này, điểm mà thành ngữ muốn nhấn mạnh là khái niệm practice makes perfect (việc thực hành sẽ dẫn đến sự hoàn hảo) và embrace failures (trân trọng lỗi lầm). Nói cách khác, ta phải trải qua nhiều lần vấp ngã, nhiều lần mắc lỗi, như hình ảnh liên tưởng trứng vỡ, trước khi ta có thể đạt được thành công, cụ thể là nấu được món trứng ốp-lết thơm ngon.

Cũng có ý kiến khác về ý nghĩa của thành ngữ nhìn từ góc độ của tính tương tác giữa các cá thể. Theo nghĩa đen, nếu muốn có được món trứng ốp-lết cho cá nhân mình, đôi khi bạn phải đập vỡ những quả trứng mà có thể không phải của bạn. Tương tự, trong ngữ cảnh cạnh tranh sinh tồn, ví dụ như giữa những cá nhân tranh giành một vị trí cao trong xã hội, hoặc giữa những doanh nghiệp tranh giành thị phần, đôi khi bạn phải phá hoại tài nguyên của đối thủ hoặc tước đoạt và vận dụng tài nguyên đó để làm lợi cho cá nhân mình. Một cách hiểu hơi gay gắt phải không?

Cho đến tận ngày nay, cuộc tranh luận về ý nghĩa của thành ngữ vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, cách hiểu phổ biến nhất của thành ngữ vẫn là về sự thiết yếu của việc hy sinh nhằm tạo dựng kết quả. Vì vậy, để cho an toàn, bạn nên ưu tiên sử dụng thành ngữ cho mục đích này, thay vì dùng nó với những nghĩa ít phổ biến hơn.

Những biến thể

Thành ngữ you can’t make an omelette without breaking some eggs không nhất thiết phải được sử dụng chính xác từng chữ một. Trong thực tế, người đọc tùy biến linh hoạt trong cách sử dụng thành ngữ, làm cho nó trở nên đa dạng hơn, nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa của nó được truyện đạt rõ ràng và đầy đủ.

Dễ thấy nhất là biến thể cannot so với cách viết tắt can’t. Biến thể này khá thông dụng trong những ngữ cảnh trang trọng (formal register), vì chắc bạn cũng đã biết việc rút gọn chữ cannot thành can’t chủ yếu chỉ phù hợp trong các ngữ cảnh không đòi hỏi tính trang trọng (informal register).

Một cách khác để biến đổi thành ngữ mà ta đã xem thoáng qua trong một trong ví dụ bên trên là việc thay đổi đại từ. Không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải dùng you. Tất cả các đại từ nhân xưng (personal pronoun) I, you, he, she, it, we, they đều có thể được dùng trong thành ngữ, miễn là ngữ cảnh phải phù hợp.

Một biến thể khác nữa của thành ngữ là khi động từ break được thay thế bằng crack. Hai động từ này có nghĩa hoàn toàn giống nhau trong trường hợp này, và do đó, nghĩa của thành ngữ cũng không bị thay đổi khi ta dùng crack ở vị trí của break. Bật mí thêm cho bạn, không những chỉ trong thành ngữ này đâu mà khi muốn nói đập trứng, ví dụ như khi bạn đang viết công thức nấu ăn, break an eggcrack an egg đều có nghĩa như nhau.

Chưa hết, thứ tự của hai khái niệm chính trong thành ngữ, make an omelettebreak some eggs, cũng có thể được hoán đổi cho nhau. Đương nhiên là khi hoán đổi vị trí hai khái niệm này thì bạn phải thêm thắt hay lược bớt những thành phần khác của câu để đảm bảo câu đủ nghĩa và đúng ngữ pháp. Ví dụ, hãy so sánh các thành phần của thành ngữ gốc và một dạng biến thể của nó:

  • You can’t make an omelette without breaking some eggs.
  • You have to break some eggs to make an omelette.
    (Bạn phải đập vài quả trứng để nấu món ốp –lết.)

Cuối cùng (và đây là phần mở rộng của một trong những cách biến thể nêu trên), để tránh phải dùng một đại từ nhân xưng làm lộ ra danh tính của chủ thể trong câu, bạn có thể dùng chủ ngữ giả it. Khi nào thì biến thể này hữu dụng? Khi bạn muốn tránh cho người đọc biết bạn đang nói về bản thân mình, về người đọc, về một người hay nhóm người nào đó ở ngôi thứ ba, hay khi bạn muốn viết một câu chung chung ở thì bị động (passive voice). Ví dụ:

  • In order to make an omelette, some eggs need to be broken.
    (Để làm được món ốp-lết, vài cái trứng phải bị đập vỡ.)

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!

Viết một bình luận

error: