Lời bài hát Put Your Head on My Shoulder của Paul Anka | Học tiếng Anh qua bài hát

Put Your Head on My Shoulder (Đặt Đầu Người lên Vai Tôi) là một trong những bản tình ca được yêu mến nhất mọi thời đại. Ca khúc được sáng tác và trình bày bởi ca sĩ – nhạc sĩ Paul Anka vào năm 1959, thời kỳ đỉnh điểm trong sự nghiệp nghệ thuật của thần tượng nhạc pop nổi tiếng này. Như nhiều bài hát khác của Paul, Put Your Head on My Shoulder mang đậm tính bẽn lẽn, làm duyên, thảo mai trong văn hóa quần chúng giới thanh thiếu niên thời những năm 1950.

Sau khi ra mắt công chúng, tác phẩm nhanh chóng trở thành một bài hit, nắm vị trí thứ 2 trong bản xếp hạng Billboard Hot 100 (bản xếp hạng 100 bài hát hay nhất theo tạp chí Billboard) tại Mỹ.

Verse 1 (Lời 1)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Hold me in your arms, baby

(Ôm tôi trong vòng tay người, bé cưng)

Squeeze me oh so tight

(Siết tôi ôi thật chặt)

Show me that you love me too

(Cho tôi thấy rằng người cũng yêu tôi)

Put your head on my shoulder

Put something on one’s shoulder (đặt cái gì lên vai ai) là một cụm động từ (verb phrase) thông dụng. Mặc dù bài hát nói về chủ đề tình yêu đôi lứa, put someome’s head on one’s shoulder không nhất thiết chỉ được sử dụng trong ngữ cảnh yêu đương. Nó là một hành động rất phổ biến giữa những người thân thương với nhau, ví dụ như giữa những người trong gia đình, hay giữa bạn bè với nhau.

Put something on one’s shoulders (shoulders ở số nhiều (plural)) còn có nghĩa là đặt trách nhiệm, gánh nặng lên vai ai.

Bạn nhớ lưu ý dùng đúng giới từ (preposition) on (trên, lên trên) trong những cấu trúc diễn đạt này nhé!

Hold me in your arms

Hold someone in one’s arms (giữ ai trong vòng tay của ai) và take someone in/into one’s arms (mang / đón ai vào vòng tay của ai) là những cách diễn đạt thông dụng cho hành động một người ôm ai trong vòng tay của họ. Một lần nữa, bản thân hành động này không nhất thiết phải nói về tình yêu đôi lứa; ngữ cảnh nó được sử dụng quyết định ý nghĩa của nó.

Baby

Bé yêu là cách gọi đáng yêu, thân thương, triều mến mà một người dành cho ai đó.

Squeeze me oh so tight

Squeeze someone: siết ai. Trong ngữ cảnh của bài hát, nhân vật chính kêu người họ mến siết vòng tay để ôm họ thật chặt. Trong một ngữ cảnh đen tối hơn, squeeze someone cũng có thể được dùng để nói ai đó bị vật gì siết (ví dụ như bị kẹt), hoặc bị ai đó siết (bị bắt giam, bị tra tấn, hành hung).

Tight ở đây là một trạng từ (adverb), không phải một tính từ (adjective). Điều này là hợp lý, vì tight bổ nghĩa cho một động từ (verb) (động từ squeeze). Tính từ tight cũng có một trạng từ khác là tightly; cả tighttightly đều có nghĩa như nhau. Vậy, khi nào ta phải dùng tightly và khi nào thì dùng tight? Bạn sẽ phải chịu khó đọc nhiều và nhớ từng trường hợp cụ thể, vì ta không có một luật chung rõ ràng nào. Tuy nhiên, các mẹo sau đây có thể giúp bạn. Nếu ngữ cảnh giao tiếp ít đòi hỏi tính trang trọng (informal register), bạn có thể dùng trạng từ tight sau động từ. Nếu muốn dùng trạng từ trước một past participle (quá khứ phân từ), tightly là lựa chọn an toàn hơn. Nếu muốn dùng trạng từ trước một động từ, bạn chỉ có thể dùng tightly.

So (thật, rất) là một trạng từ làm tăng cường độ. So tight chặt hơn là tight.

Oh (ôi) không gì hơn là một từ cảm thán để, một lần nữa, làm tăng cường độ chặt của hành động siết.

Show me that you love me

Show someone something (cho ai thấy gì) là một cấu trúc diễn đạt phổ biến có các nghĩa tương tự như trong tiếng Việt. Theo nghĩa đen, cụm động từ này có nghĩa là bày ra trước mắt ai vật gì (hoặc ai đó) để họ thấy. Hoặc, nó cũng có thể được dùng để nói về hành động trình bày cho ai đó về việc gì, điều gì. Theo nghĩa bóng, cấu trúc này còn diễn đạt hành động chứng minh hoặc chứng tỏ cho ai đó thấy điều gì.

Something ở cuối cụm từ show someone something có thể là một danh từ (noun), một cụm danh từ (noun phrase) hoặc một mệnh đề (clause). Trong trường hợp của lời bài hát, something ở đây là một mệnh đề bắt đầu bằng liên từ phụ thuộc (relative conjunction) that (rằng).

Verse 2 (Lời 2)

Put your lips next to mine, dear

(Đặt môi người kế môi tôi, người yêu dấu)

Won’t you kiss me once, baby

(Người không hôn tôi một lần sao, bé cưng)

Just a kiss goodnight, maybe

(Chỉ một nụ hôn chúc ngủ ngon, có thể)

You and I will fall in love

(Người và tôi sẽ phải lòng nhau)

Put your lips next to mine

Put your lips next to mine, đặt môi người kế môi tôi, là một cách táo bạo nhưng tinh tế để nói “kiss me” (hôn tôi đi).

Mine (của tôi) là đại từ sở hữu (possessive pronoun) thay thế cho my lips – một cách hiệu quả và tiện lợi để tránh lặp từ.

Một chi tiết nhỏ mà bạn nên biết, động từ (verb) put luôn phải có một giới từ (preposition) đi kèm; nếu không, điều nó muốn diễn đạt bị bỏ lửng và nghĩa của nó không thể được xác định. Vì vậy, khi viết hay nói tiếng Anh, bạn nhớ đừng để câu có chứa động từ put của mình bị khiếm khuyết.

Dear

Cũng giống như cách gọi baby, dear có thể được dùng cho bất kỳ ai mà ta yêu thương và quý mến. Tuy vậy, đừng lầm tưởng rằng dear chỉ phù hợp cho những ngữ cảnh ít đòi hỏi tính trang trọng (informal register). Trong ngữ cảnh kinh doanh, công sở, trong những trao đổi giữa các vị lãnh đạo, hay những ngữ cảnh trang trọng (formal register) khác, ta cũng thường dùng dear để mở đầu một thư tay (mail) hay thư điện tử (email) nhằm thể hiện sự quý mến, trân trọng dành cho người đọc. Cách mở đầu thư “Dear Hiring Manager” (tạm dịch là “Kính gửi Trưởng phòng Tuyển dụng”) có thể không còn xa lạ gì với các bạn đã từng đi xin việc bằng tiếng Anh).

Won’t you kiss me

Đây là một câu hỏi tu từ (rhetorical question), tức là một câu hỏi không cần câu trả lời. Thay vì dùng thể mệnh lệnh (còn được gọi là thể cầu khiến, imperative mood) như trong những câu trước (put your head on my shoulder, hold me in your arms, squeeze me tight, show me that…, put your lips next to mine), nhân vật chính của bài hát dùng một cách mềm mỏng hơn để đạt được cùng mục đích thỉnh cầu người họ mến làm gì cho họ – một cách van nài thiết tha, kêu gọi sự động lòng từ người nghe.

Không kể đến khía cạnh tu từ, “won’t you…?” là một cách thông dụng để mở đầu câu hỏi thông thường, tương tự như “will you…?”. Đương nhiên, giữa chúng có sự khác biệt. Về bề nổi, won’t you…? là dạng câu hỏi phủ định (negative question), trong khi will you…? là dạng câu hỏi khẳng định (positive question). Về ẩn ý, khi hỏi will you?, người hỏi hoặc không biết câu trả lời, hoặc không thiên vị yes hay no từ người trả lời, hoặc kỳ vọng sẽ nhận được câu trả lời no. Won’t you?, trái lại, cho người nghe thấy rõ rằng người hỏi kỳ vọng nhận được câu trả lời yes. Trong trường hợp của lời bài hát, nhân vật chính thỉnh cầu, van nài người họ mến hôn họ (won’t you kiss me); vì vậy, họ dùng câu hỏi phủ định, hy vọng sẽ nhận được câu trả lời yes – sự chấp thuận từ người nghe.

A kiss goodnight

To kiss someone goodnightto give someone a goodnight kiss, là các cấu trúc diễn đạt thông dụng để nói về hành động hôn ai buổi tối trước khi họ đi ngủ, như một cách để chúc họ ngủ ngon bằng việc cho họ thấy tình thương của ta dành cho họ.

Không ít người đảo thứ tự của a goodnight kiss thành a kiss goodnight. Chúng ta có thể tranh luận về tính đúng đắn về ngữ pháp của cách nói này, nhưng dù gì thì nó đã được sử dụng phổ biến đến mức ít ai thắc mắc về điều này. Nếu muốn an toàn, hãy chơi an toàn và dùng a goodnight kiss.

Maybe

Đây là một cách rất khéo để gạ gẫm người nghe đi thêm bước nữa. Từ không có gì, nhân vật chính thỉnh cầu đối phương cho họ chỉ một nụ hôn chúc ngủ ngon (just a kiss goodnight), sau đó bỏ lửng sự việc ở mức có thể (maybe). Nói cách khác, nhân vật chính muốn nói maybe that’s it, that’s all, or maybe there can be more than that… (có thể chỉ có vậy, đó là tất cả, hoặc có thể còn nhiều hơn vậy…).

Fall in love

Fall in love (with someone) (theo nghĩa đen là rơi vào tình yêu (với ai), hoặc dịch khéo hơn là phải lòng (ai)) là một cấu trúc diễn đạt kinh điển cho bạn nào muốn học về chủ đề tình yêu đôi lứa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng cấu trúc này cho một vật hay một điều gì mà bạn đam mê, ví dụ fall in love with my new Gucci bag (phải lòng túi Gucci mới của tôi), fall in love with literature (phải lòng với văn học). Nếu muốn nói phải lòng một ai đó mà không nhất thiết phải là tình yêu đôi lứa, bạn cũng có thể dùng cấu trúc này, nhưng hãy cẩn thận để tránh bị hiểu lầm, ví dụ: I fall in love with my history teacher, who is so passionate about learning from the past in order not to repeat the old mistakes. (Tôi phải lòng giáo viên lịch sử của tôi, người đam mê mãnh liệt việc học từ quá khứ để tránh lặp lại những sai lầm cũ.).

Khi không có cụm trạng từ (adverbial phrase) with someone theo sau để bổ nghĩa cho cụm động từ (verb phrase) fall in love, bạn có thể ngầm hiểu rằng các chủ thể phải lòng nhau (fall in love together / fall in love with each other).

You and I will fall in love

Nếu bạn nào tinh ý thì sẽ thấy, chúng ta có dạng câu điều kiện loại 1 (type-1 conditional) ở đây. Cùng với câu trước của bài hát, nhân vật chính muốn nói: If you kiss me goodnight just once, you and I will fall in love (nếu người hôn tôi chúc ngủ ngon chỉ một lần, người và tôi sẽ phải lòng nhau).

Dùng câu điều kiện loại 1 ở đây, thay vì loại 2 (will thay vì would), cho thấy sự tự tin của người nói. Điều họ nói không phải là một giả định; họ biết là nó sẽ xảy ra, nếu điều kiện được thỏa mãn.

Đây nghĩa của lời bài hát, đây là một cách bạo dạn, tự tin để khêu gợi những mong muốn, kỳ vọng từ người nghe.

Bridge (Phần chuyển tiếp)

People say that love’s a game

(Người ta nói rằng tình yêu là một trò chơi)

A game you just can’t win

(Một trò chơi ta không tài nào có thể thắng)

If there’s a way

(Nếu có một cách)

I’ll find it someday

(Tôi sẽ tìm ra nó một ngày nào đó)

And then this fool will rush in

(Và sau đó kẻ ngu xuẩn này sẽ xông vào)

People say that love’s a game

Dấu móc lửng (apostrophe) sau danh từ love là cách viết lược bỏ (omission) để rút gọn hai từ love is thành love’s. Đây là một trong những cách thể hiện phong cách diễn đạt. Trong trường hợp lời bài hát, nó còn giúp cho vần điệu của ca từ nghe xuôi tai. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng đây là cách diễn đạt không trang trọng (informal). Hơn nữa, ngay cả khi ngữ cảnh không đòi hỏi tính trang trọng, bạn đừng dùng nó quá nhiều (overuse) để tránh dẫn tới việc gây phản cảm, khó chịu cho người nghe.

People say that love’s a game là một dạng câu tường thuật gián tiếp (indirect reported speech). Ở đây, bạn không cần phải lui động từ be (is) trong mệnh đề được tường thuật, love’s a game, về một thì trong quá khứ, vì động từ tường thuật, say, được dùng ở thì hiện tại. Điều này là hợp lý, vì về nghĩa, người không có ý định tường thuật lại lời của một ai đó nói về một việc gì đó chỉ diễn ra trong quá khứ và đã kết thúc; người nói muốn nói về một sự thật chung chung mà “người ta nói” (people say).

A game you just can’t win

Về nghĩa, just giúp nhấn mạnh, làm tăng cường độ sự chắc chắn, quả quyết về nhận định rằng tình yêu là một trò chơi mà không ai có thể thắng. You just can’t win có thể được hiểu là you simply cannot win (bạn đơn giản không thể thắng), there is no way for you to win (không có cách nào để bạn thắng), you cannot win no matter how much you try and no matter what you try (bạn không thể thắng bất kể bạn cố gắng nhiều đến mức nào và bất kể bạn cố gắng cách nào).

Về ngữ pháp, mệnh đề you just can’t win là một mệnh đề quan hệ xác định (defining relative clause) bổ nghĩa cho cụm danh từ a game. Qua cách viết rõ hơn, ta sẽ thấy điều này: a game which you just can’t win / a game that you just can’t win.

If there’s a way, I’ll find it someday, and then this fool will rush in

Một lần nữa, đây là dạng câu điều kiện loại 1: If there is a way (present simple tense, thì hiện tại đơn), I will find it someday (future simple tense, thì tương lai đơn), and then this fool will rush in (future simple tense, thì tương lại đơn).

Someday không nhất thiết nói về một ngày nào đó theo nghĩa đen của nó mà đơn giản chỉ là một lúc nào đó, một thời điểm nào đó. Bạn tránh nhầm lẫn trạng từ someday với cụm danh từ some day, một cách diễn đạt mà day được hiểu theo nghĩa đen của nó là một ngày, một chu kỳ 24 giờ.

Fool

Người ta hay nói yêu là dại khờ, ngốc nghếch, ngu xuẩn, u muội. Đây là lý do nhân vật chính trong bài tự gọi mình là kẻ ngu xuẩn (fool).

Fool (kẻ ngu xuẩn) trong trường hợp này là một danh từ. Nó xuất phát từ tính từ fool (ngu xuẩn). Danh từ fool được gọi là một tính từ được danh từ hóa (substantivized adjective).

Rush in

Cấu trúc diễn đạt rush in something hoặc rush into something có hai nghĩa. Một là theo nghĩa đen: xông vào (ví dụ, rush into a buildingxông vào một tòa nhà). Nó còn có nghĩa là xông vào làm việc gì mà, đôi khi, không dành thời gian để suy nghĩ kỹ về nó, ví dụ như trong trường hợp lời bài hát, khi nhân vật chính không ngần ngại xông vào trò chơi tình yêu ngay khi tìm ra cách thắng nó.

Verse 3 (Lời 3)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Whisper in my ear, baby

(Thì thầm vào tai tôi, bé cưng)

Words I want to hear, tell me

(Những lời tôi muốn nghe, nói với tôi)

Tell me that you love me too

(Nói với tôi rằng người cũng yêu tôi)

Whisper in my ear

Whisper in one’s ear là cách diễn đạt tương tự với talk softly in one’s ear hay speak softly in one’s ear (thì thầm vào tai ai). Bạn nhớ dùng đúng giới từ in nhé!

Words I want to hear

Đây lại là một mệnh đề quan hệ xác định nữa: whisper in my ear the words which I want to hear, hoặc whisper in my ear the words that I want to hear.

Tell me that you love me

Tell someone something: nói với ai điều gì: một cấu trúc giao tiếp rất thông dụng mà bạn nên ghi chú lại nếu chưa biết. Something ở đây có thể là một danh từ, một cụm danh từ hay một mệnh đề.

Cụ thể trong trường hợp này, tell me… còn là một dạng câu mệnh lệnh / câu cần khiến; động từ tell được dùng ở thể mệnh lệnh(imperative).

Outro (dạo cuối)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Whisper in my ear, baby

(Thì thầm vào tai tôi, bé cưng)

Words I want to hear, baby

(Những lời tôi muốn nghe, bé cưng)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Đoạn outro sử dụng lại những câu trong lời 3, vì vậy, không có gì mới về từ vựng để chúng ta bàn ở đây.

Hãy ôn lại toàn bài hát, bạn nhé!

Full Lyrics (Toàn bộ lời bài hát)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Hold me in your arms, baby

(Ôm tôi trong vòng tay người, bé cưng)

Squeeze me oh so tight

(Siết tôi ôi thật chặt)

Show me that you love me too

(Cho tôi thấy rằng người cũng yêu tôi)

Put your lips next to mine, dear

(Đặt môi người kế môi tôi, người yêu dấu)

Won’t you kiss me once, baby

(Người không hôn tôi một lần sao, bé cưng)

Just a kiss goodnight, maybe

(Chỉ một nụ hôn chúc ngủ ngon, có thể)

You and I will fall in love

(Người và tôi sẽ phải lòng nhau)

People say that love’s a game

(Người ta nói rằng tình yêu là một trò chơi)

A game you just can’t win

(Một trò chơi ta không tài nào có thể thắng)

If there’s a way

(Nếu có một cách)

I’ll find it someday

(Tôi sẽ tìm ra nó một ngày nào đó)

And then this fool will rush in

(Và sau đó kẻ ngu xuẩn này sẽ xông vào)>

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Whisper in my ear, baby

(Thì thầm vào tai tôi, bé cưng)

Words I want to hear, tell me

(Những lời tôi muốn nghe, nói với tôi)

Tell me that you love me too

(Nói với tôi rằng người cũng yêu tôi)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Whisper in my ear, baby

(Thì thầm vào tai tôi, bé cưng)

Words I want to hear, baby

(Những lời tôi muốn nghe, bé cưng)

Put your head on my shoulder

(Đặt đầu người lên vai tôi)

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!

Leave a Comment

error: