Nếu bạn là fan hâm mộ của nữ ca sĩ Cyndi Lauper, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua ca khúc Time after time (tạm dịch là Hết lần này đến lần khác). Cụm từ này được lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong phần điệp khúc của bài hát.
Thoạt nhìn thì đây có vẻ là một cụm danh từ (noun phrase). Ta dường như có một danh từ chính (chữ time thứ nhất trong cụm từ) được bổ nghĩa bởi một cụm giới từ (prepositional phrase), after time. Theo cách nhìn này, giới từ (preposition) after làm thành phần chủ chốt trong cụm giới từ after time.
Tuy nhiên, time after time thực ra không phải là một cụm từ thông thường, và vì vậy, nó không chỉ đơn giản là một cụm danh từ, như chúng ta đã nhìn nhận theo cách phân tích phía trên. Đây là một thành ngữ (idiom) khá thông dụng trong tiếng Anh và là một trường hợp ngữ pháp đặc biệt.
Vì sao mình nói đây là một trường hợp đặc biệt? Bởi theo lẽ thường tình, để xác định một cụm danh từ là ở dạng số ít (singular) hay số nhiều (plural), ta dựa vào danh từ chính trong cụm danh từ này. Theo đó, time after time phải là một cụm danh từ số ít, vì time (chữ time thứ nhất, được gạch chân) là một danh từ số ít. Thế nhưng, trong thực tế, bạn sẽ không ít lần bắt gặp time after time được sử dụng như một cụm danh từ số nhiều.
Lý do cho hiện tượng này là gì? Câu trả lời nằm ngay ở nghĩa của thành ngữ time after time: hết lần này đến lần khác, lặp đi lặp lại, xảy ra nhiều lần. Thành ngữ time after time có thể được diễn đạt theo một cách khác (paraphrase) rõ ràng hơn: many times, many times repeatedly, on many occasions, several times. Như bạn có thể thấy đó, times và occasions là những danh từ số nhiều, và vì vậy, khi chúng được dùng làm chủ ngữ (subject), những vị ngữ (predicate) bổ nghĩa cho chúng phải được chia theo dạng số nhiều để trùng khớp về mặt ngữ pháp.
Nhưng time after time thường được dùng như một trạng từ chỉ cách thức (adverb of manner) mà; có bao giờ nó được dùng như một danh từ chủ ngữ đâu mà ta cần suy nghĩ đến động từ vị ngữ theo sau nó?! Liệu mình có đang làm mất thời gian quý báu của bạn về một điều chẳng bao giờ xảy ra không? Từ từ đã, đừng nóng vội. Nghe mình giải thích…
Đúng là time after time rất hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ, làm chủ ngữ của một mệnh đề (clause). Nhưng, nó vẫn thường được dùng như một tiền ngữ (antecedent) đứng trước mệnh đề quan hệ (relative clause), và đây là chính là trường hợp khiến không ít người đắn đo về cách chia động từ của mệnh đề. Nói đúng hơn, thành ngữ time after time là tiền ngữ của đại từ quan hệ (relative pronoun) theo sau nó. Ví dụ:
- I could think of the time after time with you that were delightful. (Tôi có thể nghĩ đến / nhớ đến hết lần này đến lần khác vui thích bên bạn.)
- I remember the time after time in life that were dark and difficult but turned out to be fine in the end. (Tôi nhớ hết lần này đến lần khác trong đời khó khăn và đen tối nhưng cuối cùng thì cũng ổn.)
Trong từng ví dụ trên, đại từ quan hệ that là chủ ngữ của mệnh đề quan hệ (ví dụ: that were delightful); nhưng, vì bản thân that là một đại từ trung tính, để xác định động từ vị ngữ trong mệnh đề quan hệ phải được chia theo dạng số ít hay số nhiều (was hay were), ta không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào tiền ngữ time after time của đại từ quan hệ that. Một người nếu chỉ nhìn chằm chằm vào chức năng ngữ pháp sẽ dễ ngộ nhận rằng time after time là một cụm danh từ số ít, và kết luận rằng các động từ trong các mệnh đề tương ứng bị chia sai, rằng chúng đúng ra phải ở dạng số ít, was, thay vì số nhiều, were. Tuy nhiên, như đã giải thích ở trên, ta biết rằng quan niệm này không đúng, vì time after time có thể được thay bằng many times, một tiền ngữ số nhiều. Cụ thể:
- I could think of the many times with you that were delightful. (Tôi có thể nghĩ đến / nhớ đến nhiều lần vui thích bên bạn.)
- I remember the many times in life that were dark and difficult but turned out to be fine in the end. (Tôi nhớ nhiều lần trong đời khó khăn và đen tối nhưng cuối cùng thì cũng ổn.)
(Một mở ngoặc nho nhỏ cho bạn nào phát hiện ra rằng mình đã âm thầm thêm mạo từ xác định (definite article) the vào trước thành ngữ time after time và cụm danh từ many times trong các ví dụ trên: Vì (1) ta đang thao tác với mệnh đề quan hệ xác định (restrictive relative clause, hay defining relative clause) và (2) người nói muốn nói đến tất cả những “lần” (“time”) mà sự việc gì đó xảy ra, tiền ngữ của chúng ta phải là một danh từ / cụm danh từ xác định. Nếu lược bỏ mạo từ xác định the, các ví dụ của chúng ta vẫn đúng ngữ pháp, nhưng nghĩa của chúng sẽ bị thay đổi. Vì không muốn đi quá lạc đề, mình tạm giải thích đến vậy thôi. Nếu bạn chưa hiểu lắm về vấn đề này, hãy để lại vài dòng cho mình trong phần bình luận bên dưới hoặc gửi email cho mình (địa chỉ email ở cuối bài) để mình có cơ hội giải thích rõ ràng và cặn kẽ hơn cho bạn.)
Cách diễn đạt thành ngữ time after time có thể được phát triển thành cấu trúc tổng quan hơn: something after something (hết thứ này đến thứ khác). Luật ngữ pháp của cấu trúc chung chung này hoàn toàn không có gì khác so với luật được áp dụng cho thành ngữ time after time; ta dùng nó như một cụm danh từ số nhiều, và nếu nó đóng vai trò làm chủ ngữ của một mệnh đề, hoặc nếu nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ ngữ này, thì vị ngữ của mệnh đề phải được chia theo dạng số nhiều. Trong các ví dụ sau, bạn có thể thay book after book, song after song và people after people bằng many books, many songs và many people, theo thứ tự tương ứng:
- He continues to write book after book that become bestsellers only in a matter of weeks. (Anh tiếp tục viết hết quyển sách này đến quyển sách khác và chúng trở thành những quyển sách bán chạy nhất chỉ trong vòng vài tuần.)
- Elaina created song after song that are predicted to make it into this year’s list of most-downloaded tunes. (Elaina sáng tác hết bài hát này đến bài hát khác và chúng được dự đoán sẽ lọt vào danh sách những giai điệu được tải xuống nhiều nhất của năm nay.)
- I have talked with people after people who were not happy in their marriages. (Tôi đã nói chuyện với hết người này đến người khác, những người không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của họ.)
Vậy, có bao giờ một động từ ở dạng số ít được dùng làm vị ngữ của một chủ ngữ có cấu trúc, hoặc có tiền ngữ thuộc cấu trúc, something after something? Câu trả lời là có, và câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo, “Khi nào?”, là “Tùy quan niệm của mỗi người!”. Đây là một trong những mảng mập mờ trong ngôn ngữ tiếng Anh mà cá nhân mỗi người chọn cho mình một ý kiến, một quan điểm, một trường phái riêng. Như ta đã nói rất rõ trong phần trên của bài, một số người xem cách diễn đạt thành ngữ something after something không khác gì many somethings, một cụm danh từ số nhiều đòi hỏi động từ số nhiều tương ứng; trong khi đó, một số khác lại xem something after something là một cụm danh từ với danh từ chính là something (từ something thứ nhất trong cụm danh từ này) và chỉ chấp nhận một động từ ở dạng số ít cho danh từ số ít something này. Còn một số khác nữa? Họ chẳng mấy quan tâm, ai thích sao thì họ viết vậy; hoặc, họ đang có hứng sao thì dùng vậy…
… Đương nhiên, nếu cái gì không chắc chắn thì đừng nên làm, đặc biệt là trong những dịp quan trọng. Trong tiếng Việt chúng ta có câu “chơi dao coi chừng đứt tay”; hay nói cách khác, nếu sợ đứt tay thì tốt nhất là đừng chơi dao! Thật vậy, thành ngữ time after time, và cấu trúc tổng quan something after something ở một phạm vi rộng hơn, chỉ nên được dùng trong những ngữ cảnh ít đòi hỏi tính trang trọng (informal register). Ý thức và tuân thủ được điều này là một việc tốt, vì trong những ngữ cảnh informal, dù bạn chọn chia động từ ở dạng số ít hay số nhiều, bạn không bị xét nét gắt gao về mặt ngữ pháp, và ngay cả khi người nghe không thuộc trường phái ngôn ngữ của bạn, họ dễ dàng châm chước thay vì cho bạn một điểm trừ khó đỡ. Trong khi đó, khi giao tiếp trong những ngữ cảnh trang trong (formal register), hoặc khi đi thi những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC hay TOEFL (đặc biệt là khi thi viết (writing)), bạn nên ưu tiên chọn một cách diễn đạt khác để né hoàn toàn việc phải dùng cấu trúc something after something (trừ phi bạn tự tin sử dụng nó, đương nhiên rồi!). Như mình đã bật mí một mẹo ở trên, bạn có thể đơn giản chỉ cần thay something after something bằng many somethings, hoặc several somethings, hoặc a lot of somethings, hoặc thậm chí là not few somethings (không ít những gì đó) hay not very few somethings (rất không ít những gì đó).
Nói vòng vo nãy giờ, vậy rốt cuộc thì câu trả lời cho câu hỏi trong tiêu đề của bài viết là gì? Đâu mới thực sự là danh từ chính khi time after time làm tiền ngữ của đại từ quan hệ? Nếu đọc đến đây mà bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời cho bản thân thì mình xin tiết lộ ngay bây giờ. Câu trả lời là chẳng đâu cả! Quan niệm “tìm là phải thấy” dễ dẫn chúng ta đến những ngộ nhận; trước mắt chúng ta là 3 từ thành phần: time (từ time thứ nhất), after, và time (từ time thứ hai), và chúng ta cố gượng ép 1 trong 3 từ này làm danh từ chính. Như đã phân tích rõ, nếu bạn thuộc trường phái xem time after time là một thành ngữ, danh từ chính của thành ngữ này chẳng là từ nào trong 3 từ thành phần của nó mà thực ra là một danh từ ẩn, được hiểu ngầm, và quan trong hơn, danh từ này ở dạng số nhiều: times (những lần), hay many times (nhiều lần), hay several times (vài lần), hay plenty of times (nhiều lần), v.v.
Ca khúc vẫn như cũ, nhưng hiểu biết của bạn giờ đây đã sâu rộng hơn. Lần kế khi nghe đoạn điệp khúc bài hát Time after time của nữ ca sĩ Cyndi Lauper, hãy tự nhắc với bản thân rằng cụm từ này không chỉ là một cụm danh từ thông thường mà là một thành ngữ với nghĩa, tính chất ngữ pháp và cách dùng đặc trưng của nó:
If you’re lost, you can look and you will find me
Time after time
If you fall, I will catch you, I’ll be waiting
Time after time
If you’re lost, you can look and you will find me
Time after time
If you fall, I will catch you, I will be waiting
Time after time
(Nếu bạn bị lạc, bạn có thể nhìn và bạn sẽ tìm thấy tôi
Hết lần này đến lần khác
Nếu bạn ngã, tôi sẽ đỡ bạn, tôi sẽ chờ
Hết lần này đến lần khác
Nếu bạn bị lạc, bạn có thể nhìn và bạn sẽ tìm thấy tôi
Hết lần này đến lần khác
Nếu bạn ngã, tôi sẽ đỡ bạn, tôi sẽ chờ
Hết lần này đến lần khác)
Vậy là hết bài!
Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!