You Can Lead a Horse to Water, but You Can’t Make Him Drink – Tục ngữ tiếng Anh

Cuộc sống là một hành trình đầy chông gai thử thách. Đối diện với muôn vàn khó khăn, đôi khi ta cần lắm sự hỗ trợ của những người xung quanh. Không ai có thể thành công một mình; lúc này hay lúc khác, chúng ta đều cần người khác giúp đỡ, khuyên nhủ, chỉ dẫn đường đi nước bước và tạo cơ hội để chúng ta vượt qua trở ngại trước mắt.

Tuy nhiên, đối với vài người trong chúng ta, mặc dù được mọi người xung quanh giúp đỡ hết mức có thể, ta vẫn không đạt được điều mình muốn. Dường như còn có yếu tố nào đó thiếu sót trong công thức thành công mà ta chưa tìm ra. Ta nhận được không thiếu bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ gia đình, bạn bè, những người thân thuộc, nhưng ta vẫn thấy vấn đề sao mà lớn quá, khó vướt qua quá. Ta nhận được mọi sự tương trợ cần thiết, nhưng vẫn chùn bước, do dự. Đó là vì ta quên nhìn lại chính bản thân chúng ta, nhân vật chính trong câu chuyện, trong cuộc hành trình trên đường đời. Nếu bản thân ta không bước về phía trước, ta sẽ mãi mãi ở yên tại chỗ, bất kể ngoại lực có đưa đẩy đến mức nào.

Để mô tả tình huống này, trong tiếng Anh có tục ngữ (proverb) You can lead a horse to water, but you can’t make him drink.

Định nghĩa

Tục ngữ You can lead a horse to water, but you can’t make him drink không có gì là khó hiểu. Theo nghĩa đen, nó là một chân lý về việc chăn ngựa: bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được. Bản thân con ngựa phải là cá thể thực thi hành động uống nước; bạn không thể uống nước giúp nó. Bạn có thể chỉ cho nó thấy uống nước là việc tốt cho nó, bạn có thể kiên nhẫn chỉ cho nó cách uống nước, nhưng cuối cùng thì nó vẫn là nhân vật duy nhất có thể thực hiện hành động uống nước cho bản thân nó.

Mượn hình ảnh ẩn dụ từ việc chăn ngựa, câu tục ngữ trên là một bài học về ý chí và về ý thức tự giác. Đối với bất kỳ điều gì trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta là đều thuyền trưởng lèo lái con tàu của riêng mình băng qua bão táp cuộc đời. Những thử thách trong cuộc sống là của riêng mỗi chúng ta, và chỉ mỗi chúng ta mới có khả năng quyết định việc mình sẽ chinh phục được những thách thức này, hay bị chúng chinh phục. Cho dù bạn có nhận được bao nhiêu sự giúp đỡ từ biết bao nhiêu người, cho dù bạn có bao nhiêu tài nguyên, tiền bạc dồi dào, cho dù bạn có những mối quan hệ xã hội tốt, những người bạn và người thân luôn luôn hết lòng vì mình, nói chung là cho dù ngoại lực có lớn đến đâu, nếu sâu thẳm bên trong, bạn không có ý chí, nội lực, nếu bạn không có ý thức tự giác động viên, thúc đẩy bản thân vượt qua những khó khăn, không ai có thể làm điều này thay bạn được.

Tương tự, hãy lật ngược tình huống. Khi bạn giúp đỡ một ai đó hết mình, nhưng bản thân họ chẳng làm gì, bạn hoàn toàn vô vọng. Bạn có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ, đưa cho họ những lời khuyên chân thành, những chỉ dẫn cặn kẽ, những định hướng đúng đắn, đem đến cho họ những cơ hội hiếm có, thậm chí là làm giúp họ nhiều bước nhất có thể, nếu trong họ không có một chút ý chí nào, nếu họ buông xuôi, không có ý thức tự giác, chẳng còn thứ gì bạn có thể làm để tình hình tốt hơn được nữa.

Ngữ cảnh – cách dùng

Tục ngữ you can lead a horse to water, but you can’t make him drink có thể là một trong những tục ngữ dễ dùng nhất, vì nó phù hợp cho rất nhiều trường hợp.

Về ngữ cảnh, tục ngữ you can lead a horse to water, but you can’t make him drink khálà trung tính. Nó có thể hiện diện trong hầu như mọi ngữ cảnh mà không làm cho câu văn cảm thấy gượng gạo. Ví dụ, trong văn nói (spoken) giữa bạn bè thân thiết với nhau, một ngữ cảnh không đòi hỏi tính trang trọng (informal register), bạn có thể chèn tục ngữ này vào cuộc hội thoại sau khi nghe những bạn khác kể về một người ỉ lại, không cố gắng. Đó là một cách hay để kết thúc câu chuyện. Còn trong văn viết (written)? Hãy tưởng tượng bạn đang viết một cuốn hồi ký về người nào đó có nhiều thành tựu đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ. Ngữ cảnh trong trường hợp này có khả năng cao là ngữ cảnh trang trọng (formal register). Trước khi bắt đầu hay để kết thúc một đoạn truyện về một giai đoạn khó khăn mà nhân vật chính cần phải có nội lực và ý chí phấn đấu vươn lên, bạn có thể dùng câu tục ngữ này.

Về cách dùng, bản thân câu tục ngữ là một câu hoàn chỉnh. Nếu bạn nào thích phân tích sâu hơn nữa thì sẽ thấy câu tục ngữ là một câu ghép (compound sentence) với hai mệnh đề (clause) trước và sau liên từ kết hợp (coordinating conjunction) but. Vì vậy, bạn có thể để câu tục ngữ đứng một mình mà vẫn đáp ứng mọi nhu cầu ngữ pháp tối thiểu. Hay nói đúng hơn, chẳng những bạn có thể để câu tục ngữ đứng một mình, mà bạn nên làm như vậy. Vì sao? Với hai mệnh đề, câu tục ngữ khá là dài, và bản thân mỗi mệnh đề cũng không phải là ngắn, vì vậy, nếu lồng ghép nhiều vế câu với nhau, câu văn tổng thể sẽ trở nên dài, khó cho người đọc theo dõi, và thậm chí có thể làm cho họ chán nữa.

Nói vậy thì nói, việc gì cũng tùy ngữ cảnh, tùy tình huống. Nếu bạn tin rằng đối tượng độc giả mà mình hướng đến không xem những câu văn dài là nhàm chán, hãy cứ tự tin lồng ghép tục ngữ vào những câu văn dài hơn khi bạn có nhu cầu. Lồng ghép như thế nào? Có muôn vàn cách. Dưới đây là vài ví dụ cho bạn tham khảo.

Đầu tiên, bạn có thể dùng câu tục ngữ làm thành phần chính của câu (nói đúng hơn là làm những mệnh đề chính – main clauses)và thêm một mệnh đề phụ, (hay còn được gọi là mệnh đề con, sub-clause) kèm theo một liên từ phụ thuộc (subordinating conjunction) để tạo câu phức (complex sentence), ví dụ:

  • You can lead a horse to water, but you can’t make him drink, unless he’s a robot horse that you have complete contorl over!
    (Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được, trừ khi nó là con ngựa bằng máy (“rô-bốt”) mà bạn có thể kiểm soát hoàn toàn!)

Tương tự, thay vì dùng liên từ phụ thuộc, bạn cũng có thể dùng liên từ kết hợp (coordinating conjunction) để tạo câu ghép (compound sentence). Đừng lo lắng về việc bản thân câu tục ngữ đã có sẵn một liên từ kết hợp; chẳng có một luật ngữ pháp nào cấm việc đặt nhiều liên từ kết hợp trong cùng một câu văn. Miễn là bạn kết hợp các mệnh đề có nội dung phù hợp với nhau và chọn các liên từ kết hợp đúng đắn thì câu văn của bạn vẫn có thể đẹp và tươm tất. Ví dụ:

  • You can lead a horse to water, but you can’t make him drink, and you can’t dirnk for him either.
    (Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được, và bạn cũng không thể uống nước thay cho nó được.)

Bạn đã cảm thấy dễ chịu hơn về cách sử dụng câu tục ngữ này chưa? Hãy thử tăng độ khó lên một chút nhé!

Nếu, thay vì chỉ có một câu ghép, bạn muốn có nhiều câu ghép được lồng vào nhau trong một câu ghép lớn hơn thì sao? Đừng lo lắng, cứ bình tĩnh đặt từng mệnh đề chính của câu, và mở rộng từng mệnh đề chính thành nhiều mệnh đề cấp dưới của nó. Ví dụ:

  • You can lead a horse to water, but you can’t make him drink; and similarly, you can make suggestions to your employer, but you can’t make their decisions.
    (Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được; và tương tự, bạn có thể đề đạt ý kiến đến công ty bạn, nhưng bạn không thể đưa ra quyết định của họ được.)

Vậy còn câu phức thì sao? Bạn cũng có thể phức tạp hóa cách dùng tục ngữ. Ví dụ như trong trường hợp dưới đây, toàn câu tục ngữ dài chỉ đóng vai trò là vỏn vẹn một định ngữ cho danh từ proverb để tạo thành một cụm danh từ (noun phrase):

  • I really wish I could do more for him, but then I thought of the proverb “you can lead a horse to water, but you can’t make him drink”.
    (Tôi thực sự ước tôi có thể làm hơn cho anh ấy, nhưng rồi tôi nghĩ đến câu tục ngữ “bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được”.)

Nguồn gốc

Xuất hiện khá phổ biến trong ngôn ngữ tiếng Anh hiện đại (Modern English) và có nội dung nói về một chân lý hiển nhiên trong cuộc sống hiện tại, tục ngữ you can lead horse to water, but you can’t make him drink có tính chất khá là đương thời. Tuy nhiên, bạn có biết đây là một trong những câu tục ngữ có nguồn gốc tiềm năng cổ xưa nhất, nếu không phải là cổ nhất, trong tiếng Anh?

Thực vậy, con người đã xác định dấu tích tiềm năng của câu tục ngữ này có thể tồn tại từ tận khoảng năm 1175, tức là thời kỳ giao thoa ngôn ngữ của nước Anh ngay sau cuộc xâm lược thành công nước này của người Norman (the Norman conquest of England) vào năm 1066, khi mà ngôn ngữ tiếng Anh cổ đại (Old English, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ Anglo-Saxon của những người Anh gốc Đức) vừa bắt đầu được thay thế dần dần bằng ngôn ngữ tiếng Anh trung đại (Middle English, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ Anglo-Norman có nguồn gốc từ Pháp). Trong các tư liệu ghi chép lại Những Lời Giáo Huấn Tiếng Anh Cổ Đại (Old English Homilies) tồn tại lời giáo huấn sau được viết bằng tiếng Anh trung đại với nội dung rất giống với câu tục ngữ mà chúng ta đang học:

     Hwa is thet mei thet hors wettrien the him-self nule drinken

Theo tiếng Anh hiện đại, lời giáo huấn trên có thể được dịch ra là “Who is that that may provide water to a horse that himself will not drink?”, hay dịch tiếng Việt là “Ai mà có thể đem nước tới cho con ngựa mà bản thân nó sẽ không uống?”.

Bạn có đang thắc mắc tại sao một câu văn được ghi chép lại bằng tiếng Anh trung đại lại nằm trong các tư liệu về Những Lời Giáo Huấn Tiếng Anh Cổ Đại không? Đây là một thắc mắc hoàn toàn chính đáng và hợp lý (và mình cũng mừng là bạn đã đọc đến đây mà chưa ngủ gục giữa bài học!). Để giải thích điều này, có lập luận cho rằng thế kỷ thứ 12 là thời gian giao thoa, chuyển tiếp từ giai đoạn hậu tiếng Anh cổ đại (Late Old English) sang giai đoạn tiền tiếng Anh trung đại (Early Middle English). Sau khi nước Anh bị người Norman xâm lược năm 1066, nhiều quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị (political), giáo hội (ecclesiastical), giáo dục (educational) và quản trị (administrative) của nước này bị soán ngôi; đồng thời, những nỗ lực để dần dần thay đổi ngôn ngữ tiếng Anh cổ đại bắt đầu diễn ra. Khi một đế chế mới muốn thiết lập quyền lực và biến đổi quần chúng thành người dân của họ, việc thay đổi ngôn ngữ trong giáo dục và giáo hội là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, sự thay đổi ngôn ngữ không xảy ra, hay nói đúng hơn là không thể xảy ra, trong tích tắc một ngày một bữa, do trong thời kỳ này vẫn còn tồn đọng rất nhiều thổ ngữ địa phương (dialect) có mặt trên đất Anh từ trước cuộc xâm lăng. Thay vào đó, ngôn ngữ giai đoạn tiền tiếng Anh trung đại vẫn sử dụng phần lớn từ vựng (vocabulary) Anglo-Saxon từ thời cổ đại nhưng đơn giản hóa (simplify) đáng kể hệ thống biến tố (inflectional system) của các từ vựng này. Về mặt ngữ pháp (grammar), các cách công cụ (instrumental case) và cách tặng thể (dative case) được thay thế bằng các cấu trúc giới từ (prepositional construction). Kết quả của tất cả những điều này là một xã hội được vận hành bằng ngôn ngữ lai tạo (hay nói theo cách bình dân hơn là “nửa nạc nửa mỡ”) mà bằng chứng là những tài liệu được viết theo ngôn ngữ tiếng Anh trung đại những vẫn có hơi hướng của tiếng Anh cổ đại, đơn cử là lời giáo huấn vào khoảng năm 1175 được trích dẫn bên trên.

Cũng về chủ đề câu tục ngữ mà chúng ta đang học có nguồn gốc từ lâu đời, bạn hãy nhớ rằng năm 1175 chỉ là năm còn để lại bằng chứng bằng chữ viết của câu giáo huấn được trích dẫn ở trên. Biết đâu câu nói này thực sự còn ra đời sớm hơn cột mốc này nữa. Những buổi giáo huấn thời xưa thường là những sự kiện miệng (oral event). Đáng tiếc thay, ta chỉ có thể tìm được những bằng chứng bằng chữ viết và phỏng đoán những gì xảy ra ngoài phạm vi này. Đó là chưa kể biết bao nhiêu bằng chứng chữ viết không tồn tại nổi đến ngày chúng được khám phá.

Cuối cùng, trước khi kết thúc chủ đề về nguồn gốc của câu tục ngữ, bạn có để ý thấy câu tục ngữ dùng “him” thay vì “it” để nói về chú ngựa được dẫn đến nguồn nước không? Có thể có vài lý cho điều này. Thứ nhất, trong tiếng Anh có hai từ đều có nghĩa là ngựa: horsemare; trong đó, mare được dùng duy nhất để chỉ những cô nàng ngựa giống cái (female), trong khi horse được dùng để nói về chung chung về ngựa và đặc biệt là cho giống đực (male). Điều này cũng tương tự như trong tiếng Việt; ta thường gọi chú ngựa nhưng không nhất thiết ngụ ý rằng chủ thể ngựa mà ta đang nói đến thuộc giống đực. Thứ hai, so với giống cái, giống đực thường chiếm ưu thế trong ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là trong nhận thức của loài người hầu như trên toàn thế giới từ bao đời nay. Khi một vật, một điều, một khái niệm gì đó không có giới tính, ta thường gán cho nó giới tính đực. Khi chủ thể có thể có một trong hai giới tính đực và cái, ta gán cho nó giới tính đực. Trong một số ngôn ngữ, ví dụ như trong tiếng Pháp, khi nói đến một tập hợp nhiều cá thể, đực có, cái có, ta gộp chung lại và gán cho nó giống đực theo luật mặc định. Thứ ba, ngày nay, những nỗ lực về bình đẳng giới (gender equality) dần dần được nhiều người quan tâm; loài người chúng ta ngày càng có ý thức tư duy và giao tiếp một cách đúng đắn về mặt chính trị (politically correct, hay viết tắt và PC), cẩn trọng trong cách dùng từ và ưu tiên sử dụng những đại từ trung tính (gender-neutral). Đơn cử cho điều này là việc đại từ “it” và “they” (và “her” trong một số trường hợp hiếm hoi hơn) ngày càng được ưu tiên sử dụng thay thế cho cách gọi “him” khi nói đến một người, một đồ vật, một con vật, một khái niệm, một sự việc không có giới tính hoặc có thể có một trong hai giới tính. Điều này không phải tự nhiên mà có. Nó là thành quả của biết bao nhiêu cuộc đấu tranh xã hội trong biết bao nhiêu thời kỳ để đòi sự công bằng và bình đẳng cho giới tính nữ. Nó là một vấn đề ăn sâu vào tận gốc rễ suy nghĩ của nhân loại mà cho đến tận ngày nay, political correctness vẫn còn là một chặng đường dài trước mặt mà chúng ta phải đi. Giống đực vẫn đang chiếm ưu thế một cách khá mạnh mẽ và hầu như toàn diện trong xã hội hiện tại, nói chi là trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ tiếng Anh cổ đại xa xưa khi mà nhu cầu về political correctness không hề tồn tại. Thứ tư, và lý do này khá lý thú, có ý kiến cho rằng những chú ngựa đực, và sinh vật giống đực nói chung, thường có tính cách ngang tàng, bướng bỉnh hơn giống cái, nên dù chúng có được dẫn tới nguồn nước thì cũng ngang bướng từ chối uống nước. Nghe có vẻ khá là phân biệt giới tính (gender-discriminating) phải không? Đây có thực sự là lý do chính đáng? Tùy vào niềm tin có nhân của bạn thôi…

Các biến thể

Các biến thể của tục ngữ you can lead a horse to water, but you can’t make him drink không quá khó để đoán ra. Gọi là biến thể vậy thôi, đôi khi bạn sẽ không nhận ra điểm khác biệt gì nếu không chú ý kỹ từng chữ.

Đầu tiên, bạn có để ý thấy mệnh đề thứ hai của tục ngữ có sử dụng cách rút gọn (contraction) can’t thay vì cannot? Hãy so sánh phiên bản ta đã học từ đầu bài đến giờ và phiên bản sau:

  • You can lead a horse to water, but you cannot make him drink.

Đây là điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến nếu bạn đang sử dụng văn viết, đặc biệt là trong những ngữ cảnh đòi hỏi tính trang trọng cao. Một thay đổi chẳng có gì lớn lao, nhưng nếu thiếu nó thì tính nhất quán (consistency) mà bạn cố tạo ra trong toàn văn bản sẽ chẳng được vẹn toàn.

Kế tiếp, như đã nhắc đến trong phần nguồn gốc tục ngữ, đại từ “him” xuất hiện trong phiên bản gốc của câu tục ngữ, thay vì đại từ “it”, nhưng điều này không có nghĩa là câu tục ngữ không có phiên bản dùng “it”. Trái lại, không những có tồn tại phiên bản “it”, mà phiên bản này còn chẳng thua kém gì phiên bản “him” về tính phổ biến trong tiếng Anh ngày nay. Chỉ là một từ duy nhất, nhưng bạn sẽ thấy sự khác biệt:

  • You can lead a horse to water, but you can’t make him drink.
    (Bạn có thể dẫn một chú ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho anh ta uống nước được.)
  • You can lead a horse a water, but you can’t make it drink.
    (Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm cho nó uống nước được.)

Mỗi phiên bản có những thế mạnh riêng mà bạn nên đọc qua. Vì sao? Tùy vào ngữ cảnh và mục đích sử dụng, bạn có thể chọn một trong hai để tạo lợi thế cho mình. Thứ nhất, một cách vô tình, phiên bản “him” có tính chất nhân hóa chú ngựa, một chi tiết hữu dụng torng những trường hợp ví dụ như khi bạn muốn viết văn tự sự kể về cuộc đời hay cuộc phiêu lưu của một chú ngựa nào đó (và theo lý do này thì phiên bản thay “him” bằng “her” cũng hữu dụng không kém). Thứ hai, đối với những ngữ cảnh xưa cũ, phiên bản “him” sẽ phù hợp hơn để nói làm bật lên tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trong khi đó, trong những ngữ cảnh hiện đại hơn và trong những xã hội đề đạt cao giá trị của việc tôn trọng bình đẳng giới (gender equality), phiên bản “it” chiếm lợi thế rõ rệt. Cuối cùng, trong đại đa số các ngữ cảnh giao tiếp ngày nay, formal hay informal, written hay spoken, ít ai còn mảy may để ý đến việc để đảm bảo rằng phiên bản gốc được duy trì. Phiên bản “it” rất tiện lợi vì, trong xã hội ngày nay, hầu như ai cũng dùng “it” làm đại từ mặc định cho thú vật mà chẳng cần suy nghĩ; hơn nữa, nó có lợi ích cộng thêm (added benefit) vì tính chất gender-neutral của nó đảm bảo được nhu cầu về political correctness. Tuy nhiên, trong những văn bản học thuật, văn học cổ, chính trị hay lịch sử, đặc biệt là những văn bản được viết bởi những người chú ý chi li đến ngôn ngữ hoặc những người thuộc các thế hệ trước, phiên bản “him” vẫn đang thắng thế.

Còn gì nữa? Ngoài động từ lead, bạn sẽ thấy không ít người thay thế động từ bring vào câu tục ngữ, cụ thể:

  • You can bring a horse to water, but you can’t make him drink.
    (Bạn có thể mang một con ngựa đến nguồn nước, nhưng bạn không thể làm nó uống nước được.)

Không có gì điều gì nhiều cần phải nói ở đây. Bản thân bring (mang / đem) và lead (dẫn) dù là khác nghĩa nhau nhưng không làm ý nghĩa câu tục ngữ thay đổi là mấy. Ngôn ngữ luôn luôn phát triển theo thời gian, và việc nhiều người thay thế lead bằng bring thực ra không có lý do gì lớn lao. Họ chỉ đơn giản quên câu tục ngữ gốc dùng động từ gì và tìm một động từ nào đó hợp lý (makes sense) để thay thế chỗ của động từ mà họ quên. Một ngày, hai ngày, một người dùng, hai người dùng, lối mòn ngôn ngữ dần dà được hình thành. Một bước phát triển ngôn ngữ khá tình cờ và bình dị, nhưng dù gì cũng là một bước phát triển ngôn ngữ.

Cuối cùng, bạn có thấy câu tục ngữ hơi dài không? Là người thông thạo tiếng Anh, đôi khi chỉ cần nghe một, hai chữ đầu là đủ để bạn có thể đoán được toàn câu tục ngữ mà người đối diện đang muốn nói. Ở vị trí người nghe, bạn không cần quá nhiều thông tin mà vẫn hiểu ý; ở vị trí người nói, bạn không muốn tốn quá nhiều thời gian để nói cho hết câu, vì sau khi bắt đầu một vài chữ, phần còn lại trở nên dư thừa và cồng kềnh. Điều này thực sự lộ rõ khi bạn cần truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng, ví dụ như trong các cuộc hội thoại giữa những người nhanh trí, khi mà nhịp điệu giao tiếp mang tính chất nhanh chóng, sống động và ngắn gọn, hay khi bạn muốn tạo phong cách trong giao tiếp. Trong các trường hợp đó, bạn có thể bỏ bớt vế sau của tục ngữ mà vẫn đảm bảo khán giả hiểu ý của mình. Ví dụ:

  • There is only so much you can do. You can show an addict all the ways to get out of addiction, just as you can lead a horse to water.
    (Bạn chỉ có thể làm tới mức nào đó. Bạn có thể chỉ cho một con nghiện tất cả những cách để thoát khỏi vòng nghiện ngập, cũng giống như bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước.)

Chẳng những việc diễn đạt được thuận tiện, chẳng những câu văn được gọn gàng, rút gọn vế sau của tục ngữ đôi khi còn làm cho sắc thái diễn đạt của bạn phù hợp với ngữ cảnh. Một giá trị cộng thêm (added value) không phải là nhỏ!

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!

Leave a Comment

error: