Vị trí tương quan giữa giới từ và đại từ quan hệ

Khi thao tác với câu có mệnh đề quan hệ (relative clause) kèm giới từ (preposition), đôi khi ta thấy giới từ được đặt trước đại từ quan hệ (relative pronoun). Ví dụ: He loves the songs with which he grew up. (Anh ta yêu những bài hát mà cùng với chúng anh đã lớn lên.).

Trong khi đó, đối với một số những trường hợp khác, giới từ lại được ở cuối mệnh đề quan hệ, ví dụ: He loves the songs which he grew up with. (Anh ta yêu những bài hát mà anh đã lớn lên cùng.).

Theo đúng chuẩn ngữ pháp, giới từ with phải được đặt ở trước đại từ quan hệ which. Nhưng, vì sao trong tiếng Anh lại tồn tại hiện tượng trên? Giới từ with trong các ví dụ trên có chức năng gì khác nhau khi nó được đặt ở vị trí đầu so với cuối mệnh đề quan hệ?

Bất kể vị trí của giới từ with, chức năng và nghĩa của nó (và nghĩa của toàn câu) không hề bị thay đổi. Sự khác biệt ở đây không nằm ở khía cạnh nghĩa của từ hay cách dùng từ, cũng không nằm hoàn toàn ở khía cạnh ngữ pháp (chức năng ngữ pháp của with không bị thay đổi) mà là ở mức độ trang trọng của ngữ cảnh (register). Đây là một đề tài về ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics).

Trong những ngữ cảnh không đòi hỏi tính trang trọng (informal register), đặc biệt là trong văn nói (spoken language), người nói không có thời gian trau chuốt câu văn kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, và đôi khi họ cũng không muốn dành quá nhiều năng lượng não, quá nhiều sự tập trung vào khía cạnh ngôn ngữ; trao đổi thông tin là mục tiêu chính (nếu không muốn nói là mục tiêu duy nhất), và họ làm sao miễn đạt được mục tiêu này là đủ. Do đó, người nói tập trung vào nội dung là chính, vừa nói vừa hình thành câu; họ mở đầu câu, đặt một đại từ quan hệ ở lưng chừng câu khi cảm thấy cần thiết (ví dụ như which), và khi nói đến cuối mệnh đề quan hệ, họ nhận ra mình cần một giới từ để diễn đặt được trọn nghĩa nên thêm vội giới từ này vào. Một số người khi nói đến which trong ví dụ trên chưa hề biết họ sẽ cần đến giới từ with trong tích tắc sau đó.

Trái lại, trong những ngữ cảnh đòi hỏi tính trang trọng cao (formal register), đặc biệt là trong văn viết (written language), người viết được kỳ vọng câu cú phải chỉnh chu, cấu trúc phải chắc chắn, bố cục phải ngăn nắp và ngữ pháp phải chuẩn xác. Đồng thời, ngưới viết có thời gian để suy nghĩ kỹ trước khi diễn đạt (ngay cả khi không phải viết mà là nói, người nói có thể nói chậm rãi, từ tốn để có thời gian suy nghĩ). Vì vậy, trước khi bắt đầu dùng một mệnh đề quan hệ, họ phải tính trước toàn bộ mệnh đề đó sẽ được diễn đạt ra sao để từ đó có thể đặt câu chính xác về mặt ngữ pháp, cụ thể là đặt giới từ with trước đại từ quan hệ which trong ví dụ trên.

Đương nhiên, bạn chỉ phải bận tâm về tất cả những điều này khi mệnh đề quan hệ của bạn có giới từ đi kèm. Để biết khi nào trong mệnh đề quan hệ có sự hiện diện của giới từ, bạn có thể xem thêm tại đây.

Vậy là hết bài!

Bạn còn điều gì thắc mắc về bài học? Điều gì về tiếng Anh đang làm bạn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên? Hay đơn giản là bạn chỉ muốn say “Hi!”? Hãy để lại lời bình luận bên dưới hay gửi email về địa chỉ contact.engbits@gmail.com nhé!

Leave a Comment

error: